Friday, February 22, 2013

Một số địa điểm du lịch nổi tiếng tại tỉnh Đak Lak:


Nằm ở trung tâm Tây Nguyên, tỉnh Đăk Lăk có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Đắk Lắk được ví như chiếc cầu nối giữa vùng duyên hải Nam Trung Bộ với Tây Nguyên và vùng Hạ Lào cũng như vùng Đông Bắc Campuchia. Diện tích tự nhiên là 13.139,2 km2  gồm 14 đơn vị hành chính là: thành phố Buôn Ma Thuột và 13 huyện lỵ gồm: huyện Ea H'leo, huyện Ea Súp, huyện Krông Năng, huyện Krông Búk, huyện Buôn Đôn, huyện Cư M'gar, huyện Ea Kar, huyện M'Đrắk, huyện Krông Păk, huyện Krông Ana, huyện Krông Bông, huyện Lắk, huyện Cư Kuin.
 
Thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm hành chính, kinh tế và văn hóa của tỉnh Đắk Lắk; cách TP.Hồ Chí Minh 350 km, cách TP. Nha Trang (Tỉnh Khánh Hòa) 200 km, cách TP. Đà Nẵng 450 km, cách thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) 200 Km, cách TP. PlâyKu (tỉnh GiaLai) 200 Km, cách TP.Đà lạt (tỉnh Lâm Đồng) 180 km. Tỉnh Đắk Lắk được thiên nhiên ưu đãi, tiềm năng du lịch phong phú.
 
6.1. Danh lam thắng cảnh:
 
Thác Krông Kmar: Nằm ở trung tâm thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông, thác bắt nguồn từ đỉnh cao nhất của dãy Chư Yang Sin hùng vĩ được mệnh danh là mái nhà Tây Nguyên. Thác Krông Kmar được tạo thành bởi dòng Krông Kmar với dáng vẽ hoang sơ và thơ mộng của núi rừng Tây Nguyên.
 
Thác Bảy Nhánh: Thuộc buôn N’drêch, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Dòng sông Sêrêpốk chảy về đây gặp một ghềnh đá lớn chia làm bảy dòng nhỏ chảy qua các tảng đá tạo thành sáu hòn đảo giữa các nhánh sông, vì vậy thác có tên là Bảy Nhánh.
 
Thác Dray Nur: thuộc huyện Krông Anna;
 
Hồ Lắk: Hồ thuộc thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Đây là hồ tự nhiên lớn nhất ở miền Nam, dài uốn khúc giống như một dải lụa thiên thanh bao quanh thị trấn Liên Sơn.
 
Vườn quốc gia Yok Đôn: nằm trên địa bàn các xã Krông Na của huyện Buôn Đôn, xã Ea Bung và Chư M’Lanh của huyện Ea Súp thuộc tỉnh Đắk Lắk và một phần nằm trên địa bàn xã Ea Pô, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông.
 
Vườn quốc gia Chư Yang Sin: Nằm trên địa bàn các xã: Yang Mao, Chư Drăm, Cư Vui, Hoà Phong, Hoà Lễ, Hoà Sơn, Khuê Ngọc Điền thuộc huyện Krông Bông và các xã: Yang Cao, Bông Krang, Krông Nô, Đắk Phơi thuộc huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
 
Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô: thuộc xã Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Khu bảo tồn này được thành lập tháng 7 năm 1999, có tổng diện tích tự nhiên là 27.800 ha, chia làm ba khu: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rộng 15.959ha; phân khu phục hồi sinh thái 9.816 ha và phân khu dịch vụ hành chính 2.025 ha.
 
6.2. Các di tích lịch sử:
 
Nhà đày Buôn Ma Thuột: toạ lạc tại số 18 đường Tán Thuật, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Vốn trước kia là nhà lao do Pháp xây dựng năm 1900, đến năm 1930 thì mở rộng và xây dựng kiên cố thêm. Nơi đây từng giam giữ các nhà hoạt động cách mạng như: Hồ Tùng Mậu, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hồng Chương, Bùi San, Trần Văn Quang, Ngô Đức Đệ.
 
Đình Lạc GiaoĐình được ra đời vào năm 1928. Đình này theo tục thờ cúng ông bà tổ tiên. Năm 1932 vua Bảo Đại đã ban sắc tứ phong cho Đào Duy Từ là Thần Hoàng của đình Lạc Giao. Việc sắc phong thần Hoàng cho đình làng Lạc Giao để khẳng định vùng đất thuộc về “Hoàng triều cương thổ”, một khẳng định vô cùng quan trọng trong lúc đang có sự tranh giành ảnh hưởng của triều đình Huế và  nước Pháp.
 
Hang Đắk Tuar: nằm cạnh dòng thác Đắk Tuar, thuộc huyện Krông Bôngtỉnh Đắk Lắk. Đây là nơi làm việc của Tỉnh ủy Đắk Lắk và các đơn vị bộ đội chủ lực của tỉnh trong kháng chiến. Năm 1991, Hang đá Đắc Tuar được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử.
 
Đèo Phượng Hoàngthuộc xã Ea Trang, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk. Đây là ranh giới giữa haitỉnh Đắk Lắk và Khánh Hoà. Đèo Phượng Hoàng là cửa ngõ nối liền miền Duyên hải Trung bộ, một thắng cảnh đẹp của thiên nhiên, với những dải núi đẹp sải cánh giữa đại ngàn. Thắng cảnh đèo Phượng Hoàng, đẹp tựa một bức tranh kỳ vĩ, đã từng cuốn hút bao du khách khi ngược đồng bằng lên với cao nguyên.
 
Chùa Khải Đoan: (thành phố Buôn Ma Thuột) Chùa được bà Từ Cung xây dựng năm 1951 trên một khu đất thoáng và rộng.  Chùa cúng cho Giáo Hội Tăng Già trung phần. Hoà Thượng Thích Đức Thiệu trụ trì đầu tiên, đến nay đã qua 7 đời. Hiện nay chùa do thượng toạ Thích Châu Quang trụ trì.  Tên chùa “Khải Đoan” được ghép bởi hai từ đầu của vua Khải Định và vợ ông là Đoan Huy Hoàng Thái Hậu…

Theo vietnamairport.vn