Saturday, July 30, 2011

Đi đâu, chơi gì?


Do Buôn Ma Thuột là nơi đầu tiên người Kinh lưu lạc đến lập nghiệp để xây dựng Đăk Lăk hôm nay nên ở đây tập trung hầu hết các di tích có ý nghĩa lịch sử của Đăk Lăk như: Đình Lạc Giao, Chùa Sắc tứ Khải Đoan, Nhà đày Buôn Ma Thuột,Bia Lạc Giao, khu Biệt điện Bảo Đại - hiện tại là Bảo tàng các dân tộc Việt Nam tại Đắk Lắk, Toà Giám mục tại Đắk Lắk.

Biệt điện Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột
Du khách cũng có thể đến với làng văn hoá buôn AKô Đhông, ngắm cây Kơnia cổ thụ giữa lòng thành phố sát Ngã 6 Ban Mê, thưởng thức hương vị cà phê Ban Mê...

Với vị trí trung tâm và giao thông thuận tiện Buôn Ma Thuột cũng chính là trung tâm du lịch lớn nhất của Đăk Lăk nối các điểm du lịch quan trọng trong tỉnh như Bản Đôn, Hồ Lắk, cụm thác Đray Sáp...

Ngã 6 Ban Mê

Ngã 6 Ban Mê là trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, nằm trên giao điểm của quốc lộ 14 và quốc lộ 26 đi qua thành phố. Ở đây có Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột được coi như biểu tượng của thành phố cũng giống như Tháp Eiffel của Paris hay Tượng Nữ thần Tự do ở New York.

Cây Kơnia cổ thụ

Cây Kơnia, hay còn gọi là Cốc, Cầy, là một loài cây thân gỗ lớn, cao 15-30 m, đường kính 40-60 cm, tên khoa học là Irvingia malayana, thuộc họ Irvingiaceae. Loài cây này mang ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với người đồng bào dân tộc thiểu số, họ coi chúng là nơi trú ngụ của thần thánh, của vong linh những người đã khuất, rất ít khi họ đụng chạm đến chúng, chặt phá chúng; vì vậy trên nương rẫy của đồng bào thường có các cây Kơ nia cổ thụ được sử dụng như cây che mát mỗi lúc nghỉ giải lao, nghỉ trưa.

Do bài hát Bóng cây Kơ-nia nổi tiếng vì vậy du khách khi đến Buôn Ma Thuột luôn muốn tìm xem tận mắt cây Kơ Nia. Ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột có một cây Kơ nia cổ thụ nằm trong khuôn viên sân sau nhà văn hoá trung tâm tỉnh, cách ngã 6 Ban Mê vài trăm mét.
Cây kơnia trung tâm Buôn Mê Thuột
Cây kơnia trung tâm Buôn Mê Thuột
Thủ phủ cà phê

Tuy cây cà phê đã được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm (1870) nhưng được trồng đại trà ở Đắk Lắk chỉ từ những năm sau 1930 trong những đồn điền của những nhà tư bản Pháp như CADA, ... nhưng do vùng đất đất đỏ bazal này đặc biệt phù hợp với việc canh tác cà phê nên việc phát triển diện tích trồng ở đây đã tăng lên; hiện tại, theo số liệu thống kê, Đắk Lắk có đến hơn 175.000 ha cà phê (thực tế có đến trên 200.000 ha vì một số diện tích không được tính do không trong quy hoạch).

Đắk Lắk cũng chính là nơi được xem là nơi có năng suất cà phê thu hoạch cao nhất thế giới và góp phần chính trong việc đưa sản lượng cà phê Việt Nam lên vị trí số 2 (riêng cà phê robusta chiếm vị trí số 1) của những quốc gia xuất khẩu cà phê.

Ở Đắk Lắk gần như huyện nào cũng có trồng cà phê, nhưng cà phê Buôn Ma Thuột vẫn luôn được đánh giá là có chất lượng cao nhất và có hương vị đặc trưng nhất, chính vì vậy thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột được thế giới biết đến và địa danh Buôn Ma Thuột được nhiều người ví như "thủ phủ cà phê".

Ở Đắk Lắk hiện tại, một số vấn đề liên quan đến cà phê đã trở bản sắc văn hóa như việc mời đi uống cà phê đã là một nét văn hoá đặc trưng của vùng này. Mời đi uống cà phê là một nét văn hóa rất đặc trưng của thành phố Buôn Ma Thuột.
Mời đi uống cà phê.

Ở Đắk Lắk, việc đi uống cà phê đã trở thành một trào lưu, một phong cách sống. Việc đi uống cà phê đối với nhiều người ở đây cũng quan trọng giống như ăn cơm, uống nước hàng ngày. Vì vậy, ở đây câu nói đi uống cà phê đã trở thành câu nói cửa miệng, thay vì mời đi uống nước, giải khát người ta lại nói là đi uống cà phê.

Chỉ riêng ở Buôn Ma Thuột, hiện tại quán cà phê nhiều đến nỗi nếu mỗi ngày chỉ cần vào một quán thôi cũng mất cả năm mới đi giáp một vòng. Các quán cà phê ở đây hầu hết được xây dựng rất đẹp, cầu kỳ và có phong cách riêng để thu hút khách. Tuy nhiên hấp dẫn nhất với du khách thường là các quán có phong cách Tây Nguyên như quán Pơ lang, Thung lũng hồng, Đá Xanh, Chuông đá...

Lễ hội Cà phê

Là một lễ hội được tổ chức để tôn vinh cây cà phê, một loài cây chiếm vị trí độc tôn trong cơ cấu cây trồng ở đây. Lễ hội mới chỉ bắt đầu được tổ chức từ năm 2005 trong chương trình quảng bá hình ảnh Thủ phủ Cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk lắk. Lễ hội được nhà nước công nhận và cho phép tổ chức đều đặn hàng năm.

Buôn AKô Đhông

Buôn AKô Đhông trong những ngày lễ hội
Buôn AKô Đhông trong những ngày lễ hội
Buôn AKô Đhông hay Buôn Cô Thônlàng Ma Rin là một buôn làng người Ê Đê ở thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk.

AKô Đhông theo tiếng Ê Đê có nghĩa là buôn đầu nguồn vì nó ở đầu nguồn một con suối lớn ở Buôn Ma Thuột là suối Ea Nuôl. Ở đây nguồn suối bắt đầu cũng chính là bến nước cũ của buôn, một bến nước rất đẹp nhưng hiện tại không còn được sử dụng do bị ô nhiễm vì ở ngay trung tâm thành phố.

Buôn nằm ở cuối đường Trần Nhật Duật- thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là một buôn lớn có lịch sử lâu đời được quy hoạch rất đẹp và giữ được nhiều giá trị truyền thống , hiện tại là một điểm du lịch hấp dẫn của thành phố. Nằm trong quy hoạch khu trưng bày lịch sử của Buôn Ma Thuột.
Rừng Buôn Mê
Rừng Buôn Mê
Bến nước Buôn Mê
Bến nước Buôn Mê
Sông serepok tang tình
Sông serepok tang tìnhBảo tàng Dak Lakhttp://www.daklaktourist.net/http://www.daklaktourist.net/http://www.daklaktourist.net/

Thursday, July 28, 2011

Kỳ thú du lịch hồ Lắk - nét đặc trưng của xứ voi

Du lịch Đắk Lắk với danh thắng và “đặc sản” nổi tiếng như du lịch sinh thái Vườn quốc gia Yok Đôn, cồng chiêng, voi Bản Đôn kết hợp tạo nên những tour du lịch văn hóa-sinh thái hấp dẫn, tạo ấn tượng mạnh cho du khách.


Đến với Đắk Lắk, có một điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua, đó là hồ Lắk - một danh thắng mang đậm nhiều nét đặc trưng của xứ sở voi và cà phê. Hồ Lắk cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 60km, là hồ nước ngọt lớn.

Hồ Lắk nằm cao hơn mặt nước biển khoảng 500m, vào mùa khô hồ có diện tích khoảng 500ha, đến mùa mưa mặt nước hồ mở ra khoảng 700-900ha.


Đến du lịch hồ Lắk, du khách không thể bỏ qua thú vui ngất nghểu trên lưng những chú voi khổng lồ lội qua hồ; rồi thong thả, lúc lắc dạo qua và khám phá những nét văn hóa, đời sống sinh hoạt thường nhật của những buôn đồng bào dân tộc M’Nông sống ven hồ như buôn Jun, buôn M’Liêng…

Sau đó là chuyến tham quan, dạo chơi hồ Lắk bằng thuyền độc mộc đầy kỳ thú. Ngồi trên thuyền, du khách có thể nhìn thấy những chú cá bơi lượn dưới hồ, nghe tiếng nước khua róc rách của mặt nước vào hai bên mạn thuyền; tiếng cá đớp mồi giữa không gian trong lành, tĩnh mịch khiến bạn trút bỏ hết những ưu tư, phiền muộn từ sự bon chen của cuộc sống đời thường.

Đến du lịch hồ Lắk, bạn còn được chìm đắm trong không gian văn hóa cồng chiêng; bên đống lửa bập bùng cùng nhịp xoang với đồng bào dân tộc, vít cong cần rượu để ngất ngây trong tiếng chiêng rộn rã giữa một miền hoang sơ.

Hồ Lắk có khu Biệt điện Bảo Đại, đây là nơi ngày xưa vị vua cuối cùng của Vương triều nhà Nguyễn cho xây dựng để làm nơi nghỉ dưỡng, săn bắn và huấn luyện đội tượng binh.

Từ Biệt điện Bảo Đại, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh hồ Lắk mênh mông nước. Xa xa dưới tán những khu rừng nguyên sinh là các buôn của người dân tộc M’nông và lẫn trong sương sớm là đỉnh núi Chư Yang Sin – mái nhà của Nam Tây Nguyên.

Du khách cũng có thể nghỉ ngơi tại các bungalow biệt lập nằm dưới những tán cây cổ thụ của khu rừng nguyên sinh. Hồ Lắk không chỉ mang lại nguồn nước tưới tiêu dồi dào cho nhân dân quanh vùng mà còn đem lại nguồn lợi thủy sản lớn cho người dân trong vùng.

Cá ở hồ Lắk có rất nhiều loại và từ cá người dân nơi đây chế biến thành nhiều món đặc sản như món cà đắng nấu cá bống hồ Lắk. Đặc biệt ở hồ Lắk có rất nhiều món đặc sản được chế biến từ cá thác lác.
Thiên nhiên ban tặng cho hồ Lắk nguồn cá thác lác dường như vô tận. Nhiều người dân quanh vùng giải thích, sở dĩ cá thác lác ở hồ Lắk nhiều, to và thơm ngon hơn các vùng khác là do nguồn nước và nguồn thức ăn dồi dào là xác thực vật mục được đổ về từ thượng nguồn sông Krông Ana bắt nguồn từ ngọn núi Chư Yang Sin hùng vĩ.

Cá thác lác hồ Lắk có thể chế biến được nhiều món khác nhau, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là món chả cá thác lác. Cá sau khi rửa sạch dùng thìa cạo lấy thịt, bỏ xương, băm nhuyễn, sau đó chỉ cần bỏ thêm một ít tiêu, nước mắm là có thể chế biến món ăn, không cần trộn nhiều gia vị mà để thịt cá tự nói lên vị ngon, ngọt.

Đặc trưng nhất của chả cá thác lác là đem vo viên sau đó chiên giòn, ăn với một ít lá thì là, rau húng; cũng có thể đem vo viên bỏ nồi lẩu, hoặc đơn giản hơn là dùng để nấu canh rau tập tàng, đều rất tuyệt.

Cá thác lác hồ Lắk giờ đây đã trở thành món đặc sản của nhiều nhà hàng, khách sạn lớn ở Đắk Lắk. Nhưng do nguồn cung không đủ cầu nên tại các nhà hàng ở Buôn Ma Thuột người ta thường trộn thêm bột ngũ cốc hoặc cá thác lác đem từ vùng khác ít nhiều làm mất đi vị ngon, ngọt, dai, béo của cá thác lác hồ Lắk chính hiệu. Bởi vậy, chỉ khi về tận hồ Lắk mới có thể thưởng thức được món chả cá thác lác tươi sống chính hiệu.

Sau một ngày vui chơi, tham quan bạn có thể ghé một quán nhỏ nào đó thưởng thức những món đặc sản của hồ Lắk mà không cần bận tâm nhiều về tiền bạc bởi giá cả ở đây khá “mềm”. Một lần đến với hồ Lắk kỳ thú, du khách sẽ nhớ mãi không quên./
.

Du Lịch Buôn Đôn

Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 50 km về phía Tây-Bắc có một địa danh khá nổi tiếng của Việt Nam : Buôn Đôn là cách gọi của người Êđê và Mnông, còn người Lào thì gọi là Bản Đôn (sắc dân chiếm đa số ở đây khi còn sơ khai) có nghĩa là "Làng Đảo" nghĩa là một ngôi làng được xây dựng trên một ốc đảo của sông Sêrepôk. Đây từng là một trong những điểm giao thương quan trọng của 3 nước Đông Dương

Buôn Đôn thuộc xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk), trước đây đã từng là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk, sau này để tiện cho việc phát triển kinh tế xã hội và chiếm giữ một vị trí an ninh quốc phòng chiến lược, người Pháp đã cho dời cơ quan hành chính về Buôn Ma Thuột.


Các đặc trưng tiêu biểu của Buôn Đôn:


Sông Serepok





Serepôk (hay Srêpôk), tên gọi trong tiếng Campuchia là Tongle Xrepok, là dòng sông lớn nhất trong hệ thống sông ngòi ở Đắk Lắk dài 406 km . Đây là một chi lưu quan trọng của sông Mê kông. Đoạn chảy trên địa phận Đăk Lăk còn được gọi là sông Đăk Krông.


Cuối thế kỷ 19, khi đường bộ còn chưa phát triển, sông Serepôk là một trong những đường giao thương quan trọng trong vùng. Người Lào và Cao Miên thường đi thuyền ngược dòng sông để đến buôn bán, trao đổi hàng hóa với vùng cao nguyên Đắk Lắk của Việt Nam. Bản Đôn ngay từ ngày ấy đã trở thành một thương cảng sầm uất; nơi đây lúc ấy có thể ví như Hội An của Đà Nẵng hay Phố Hiến - Hưng Yên.


Cầu treo





Cầu treo buôn Đôn là một cây cầu treo thô sơ bằng vật liệu tre nứa để phục vụ nhu cầu du lịch và cũng là tên một địa danh du lịch nổi tiếng của Bản Đôn.


Đây là một cây cầu du lịch được làm bằng vật liệu tre, nứa, song, mây có gia cố thêm cáp sắt. Cầu được bắc trên một cây gừa cổ thụ khổng lồ hàng trăm năm tuổi, mọc ven bờ sông Serepôk đoạn chảy qua Bản Đôn và trùm qua một đảo nhỏ giữa dòng Serepôk. Tán cây bao trùm một diện tích tới trên một ha đất với nhiều gốc do các đoạn rễ phụ tạo thành nên trông rất lạ mắt. Cây cầu dài chừng 1 km, với nhiều phân đoạn gắn kết hài hòa với một hệ thống sàn nghỉ, nhà hàng gia công bằng gỗ cũng hoàn toàn nằn trên cây. Khi đến đây, khách tham quan có thể đi trên cầu để hưởng cái cảm giác lắc lư theo nhịp chân hoặc nghỉ trên các sàn gỗ lơ lửng trên cây giữa dòng sông.


Nhà sàn cổ





Nhà sàn này được làm theo kiến trúc nhà sàn của dân tộc Lào, là nhà của Khun Yu Nốb. là nhà của một thợ săn voi nổi tiếng ở bản Đôn và được mệnh danh là vua voi. Nhà đã có đến trên 115 năm tuổi; được làm hoàn toàn bằng các lọai gỗ tốt của rừng già Buôn Đôn như Hương, Căm Xe, Cà Chít...


Trong nhà hiện trưng bày nhiều kỉ vật về cuộc đời và dụng cụ săn bắt voi của vua Voi Bản Đôn và những người kế tục


Trong lịch sử Buôn Đôn có những con voi vô cùng quý hiếm. Đó là 3 con Bạch Tượng, một cống nạp cho vua Thái Lan (cuối thế kỷ XVIII), một dành tặng vua Bảo Đại và một được Ngô Đình Diệm, Tổng thống chế độ Việt Nam Cộng Hoà thu nhận.





Lên Buôn Đôn thì nên ăn cơm lam với gà nướng Bản Đôn, uống rượu A Ma Công.


Rượu A Ma Công





Được ngâm từ thang thuốc gồm độc nhất lá và thân, rễ cây Trơng, một loài cây mọc trong rừng già Buôn Đôn. Do nó có một công dụng rất hiệu qủa cho qúy ông và được báo chí nhắc đến rất nhiều nên được nhiều người biết đến tìm mua như một đặc sản, một món quà quý mang đậm chất Bản Đôn.


Rượu lấy theo tên A Ma Công là một huyền thoại sống của vùng Bản Đôn, đến năm 2007 ông khoảng 90 tuổi vẫn đang còn khỏe mạnh. Ông là cháu 3 đời của vua voi Khun Yu Nốb, bản thân ông cũng là một Gru kỳ cựu, trong đời đã săn được trên 100 con voi.

Người Bản Đôn nói rằng với bài thuốc của mình năm 75 tuổi A Ma Công vẫn rất cường tráng còn lấy thêm người vợ thứ tư và đã sinh thêm được một người con trai.


Gà nướng Bản Đôn


Gà nướng Bản Đôn là một món đặc sản không thể không thưởng thức khi các bạn đến với Bản Đôn. Là loại “gà đồng bào” nuôi thả trong vườn được nướng tay và không ướp bất cứ một gia vị gì, khi ăn chấm với muối sả và ớt cùng với cơm Lam.
Thơm nhất là con, ngon nhất là cơm



Nhiều người cho rằng, đến ĐăkLăk mà chưa đến Buôn Đôn thì coi như chưa lên ĐăkLăk; như vậy có thể nói Buôn Đôn có một vị trí rất quan trọng trong các danh lam, thắng cảnh của vùng Tây Nguyên trù phú này.



Tuesday, July 26, 2011

Làng cà phê Trung Nguyên

Tọa lạc ngay tại trung tâm thủ phủ cà phê Việt Nam, thành phố Buôn Ma Thuột.  Làng cà phê Trung Nguyên là nơi trải nghiệm đặc biệt về những giá trị mới của cà phê: sáng tạo và hài hòa; là nơi khám phá và chia sẻ những hiểu biết mới về cà phê – một thức uống mang lại năng lượng cho trí não.


Vượt lên ý nghĩa thông thường của một loại thức uống phổ biến nhất thế giới, Làng Cà phê Trung Nguyên là một không gian của triết lý cà phê và kết nối của những người đam mê cà phê qua ngôn ngữ của cà phê.




Nơi đây, cà phê được nâng niu và tôn vinh một cách đặc biệt bởi những chuyên gia cà phê đầy lòng đam mê và tình yêu với cà phê. Nguyên liệu được chọn lọc từ những nguồn nguyên liệu tốt nhất trên thế giới của Brazil, Ethiopia, Jamaica, Việt Nam (Buôn Ma Thuột) kết hợp chế biến với các loại dược thảo và thảo mộc, đá quý huyền bí của phương Đông cộng với công nghệ sản xuất hiện đại nhất thế giới để gửi gắm đến người thưởng thức một thức uống năng lượng mới cho tương lai, giúp sáng tạo và thành công hơn cho bản thân, xã hội, cộng đồng và thế giới. 

Thursday, July 21, 2011

Thác Dray Nur


Kỳ thú thác bạc rừng xanh Tây Nguyên

Những ai yêu thích khám phá núi rừng Tây Nguyên nên tìm đến một Đắk Lắk hoang sơ với nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Những năm gần đây, quốc lộ 14 được đầu tư làm mới lại, đã khiến đường đến Đắk Lắk từ các tỉnh lân cận và TP. Hồ Chí Minh trở nên rất gần. Chỉ cần hai ngày cuối tuần, người thành phố đã có thể làm một chuyến du lịch bụi để thoát khỏi cảnh xô bồ phố thị, tìm về chốn hoang dã rừng xanh, tìm kiếm nụ cười sơn cước duyên dáng bên những ngọn thác hùng vĩ của Đắc Lắc.
Cách đây khoảng chục năm trở về trước, du lịch Đắk Lắk chưa được nhiều người biết đến. Cảnh đẹp núi rừng hoang sơ ở đây lúc bấy giờ phần nhiều được biết đến do những chuyến công tác, giao dịch làm ăn ở Buôn Ma Thuột, người ta kết hợp thăm thú buôn làng, rừng núi. Gần đây, tour du lịch Đắk Lắk và Đắk Nông (sau khi tách Đắk Lắk thành hai tỉnh) đã có nhiều công ty du lịch lữ hành đưa vào khai thác.
Những ngọn thác hoang dã là điểm nhấn đầy cuốn hút không thể thiếu của tour thám hiểm núi rừng Tây Nguyên này. Đường vào các ngọn thác giờ đây đã thấy có nhiều đoàn du khách đến từ TP.HCM và các tỉnh lân cận đổ về vào dịp cuối tuần. Và không thiếu những vị khách du lịch “Tây ba lô” tự mình thuê xe máy lặn lội khám phá những dòng thác bạc ẩn sâu trong rừng. Điều thú vị cho khách đường xa hơn cả là có khá nhiều ngọn thác đẹp có tiếng của Đắc Nông và Đắk Lắk nằm gần nhau cùng trên một dòng sông chảy về hướng Tây: Sêrêpôk.

Những ngọn thác hoang dã đẹp mê hồn ở đây có lẽ tên thác vẫn còn xa lạ với nhiều người chưa từng đến: Dray Sap, Dray Nur, Gia Long, Trinh Nữ, Dray HLinh... Theo quốc lộ 14 từ TP.HCM đi qua Bình Dương - Bình Phước, thác Dray Sap (huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông) có lẽ tiện đường vào đối với nhiều đoàn khách du lịch hơn cả. Dray Sap cách Buôn Ma Thuột hơn 30 km. Không hẳn là ngọn thác đẹp và hùng vĩ nhất trên dòng Sêrêpôk, song Dray Sap đẹp từ tên gọi đến cảnh quan và truyền thuyết về ngọn thác. Dray Sap theo tiếng dân tộc Êđê, sắc dân bản địa, Dray là thác, còn Sap là khói.
Đến bên chân thác rồi, khách đường xa chợt hiểu vì sao thác có tên là Thác Khói. Đổ từ độ cao khoảng 30 mét xuống và rộng ngang hàng trăm mét, vùng quanh chân thác “khói” nước bao phủ cả trăm mét. Trong làn “khói” mênh mang tươi mát mang lại cảm xúc lâng lâng khó tả, lòng người càng như lạc vào cõi thoát tục khi dạo bước giữa rừng già rợp bóng cổ thụ xen lẫn cỏ dại mướt xanh mà nghe kể về truyền thuyết sự tích Dray Sap.
Nàng sơn nữ H'Mi và người yêu cùng đi làm rẫy bên nhau từ khi ông mặt trời thức dậy đến lúc lặn mỗi ngày. Một lần đôi người yêu nhau đang cùng tình tự bên hòn đá nơi bờ suối sau buổi làm rẫy mê mải; chợt một con quái vật đầu to như quả núi, mắt lớn tựa nồi đồng, râu dài răng nhọn và toàn thân có vảy lấp lánh như bạc bất ngờ sà xuống. Chiếc vòi khổng lồ của nó cắm xuống.
Bỗng một cột nước khổng lồ từ dưới mặt nước phun lên. Con quái vật xòe đôi cánh lớn lượn mấy vòng, rồi phun nước tạo thành một cơn mưa dữ dội và bay mất. H'Mi sau giây phút khiếp đảm bỗng chốc tan biến vào lớp mây mù. Còn chàng trai ngày đêm than khóc nàng H'Mi bên bờ suối đã biến thành một gốc cây lớn vươn cánh tay lên trời và cắm sâu vào ghềnh đá. Nơi xảy ra chuyện tình đẹp bi thương ấy ngày nay là Thác Khói - Dray Sáp.
Thác Khói hơn hẳn những ngọn thác chung quanh nhờ vào vẻ đẹp hoang sơ của cánh rừng bao quanh. Khoảng một chục năm trở lại đây, cảnh đẹp thiên nhiên đã được bàn tay con người tôn tạo và đưa thêm tiện ích vào khu du lịch thác. Những bậc thang đá đi từ mặt đường xuống chân thác, lối mòn dạo trong rừng xây từ những hòn đá lấy từ chân thác, cầu treo vượt thác Dray Sap sang thác Dray Nur.





Ngày cuối tuần, Dray Sap luôn đầy ắp tiếng cười của những nhóm thanh niên hoặc gia đình người dân địa phương đến cắm trại. Tiện ích hơn và đông vui hơn, nhưng Dray Sap cũng mất đi vẻ nguyên thủy của hơn chục năm về trước. Lúc ấy đường vào chân thác chưa có lối xây bậc xi măng; người thám hiểm thác được dịp trải nghiệm lần mò nắm dây rừng leo xuống bậc đá hay phải tuột giày lội qua con suối nhỏ vắt ngang đường vào chân thác. Và rác cũng theo chân du khách vào khắp ngóc ngách rừng.
Song vẻ đẹp hoang sơ đủ khiến bạn quên đi đôi điều kém hoàn mỹ ấy. Cách đó không xa, chừng 3 km là thác Gia Long. Đường dẫn vào thác xuyên qua giữa rừng xanh ngút ngàn vi vu gió và chim hót ríu ran. Cảnh đường rừng hoang dã tuyệt đẹp với nhiều loại cây gỗ quý hiếm khiến nhiều người không khỏi xuýt xoa. Không phải là dịp lễ thì thác Gia Long lặng lẽ giữa rừng già, ít khách thăm viếng hơn những ngọn thác gần đó.
Những người dân địa phương sống lâu năm ở đây kể rằng thác có tên Gia Long chính là bắt nguồn từ việc vua Gia Long đã từng thưởng ngoạn cảnh thác và cho xây một cây cầu bắc ngang dòng suối nơi chân thác. Ngày nay chỉ còn lại mố cầu. Thác Gia Long cao khoảng 30m, rộng khoảng 100m. Quanh thác là rừng xanh ôm vào lòng hồ tắm tiên rộng khoảng 100m2 êm ả làn nước trong xanh chảy ra từ trong núi. 




Nằm trong cụm thác gần sát nhau trên dòng Sêrêpôk còn có thác Trinh Nữ cũng thuộc huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông. Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 20km về phía Tây Nam theo quốc lộ 14, thác Trinh Nữ không hùng vĩ như những ngọn thác trong cùng một cụm thác, song được nhiều người biết đến nhờ quần thể đá bazan màu xám đen nứt nẻ dạng cột, lăng trụ, có kích thước tới vài mét nằm chồng chất bên bờ suối. Mùa nước lũ, suối chảy xiết va vào ghềnh đá tung bọt trắng xóa.
Đệ nhất hùng vĩ trên dòng Sêrêpôk huyền thoại được hoà quyện bởi hai dòng sông Krông Ana (theo tiếng dân tộc Êđê có nghĩa là sông cái) và Krông Nô (sông đực) phải kể đến ngọn thác Dray Nur. Nằm cách Buôn Ma Thuột 20 km về hướng Nam, thác Dray Nur (buôn Kuốp, xã Dray Sap, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) dài trên 250 mét, chiều cao trên 30 mét, nối liền đôi bờ hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Không khí núi rừng trong lành, vô vàn hạt bụi nước li ti bay bên bờ thác, cách chân thác cả trăm mét vẫn cảm thấy mát mẻ dễ chịu.
Nhiều người thích trải nghiệm cảm giác mạnh tìm lối đi vào hang đá trong lòng thác, đi cầu treo... và hang đá trong lòng thác chính là nét độc đáo riêng có của Dray Nur: phòng mát-xa nước thiên nhiên ở giữa trời. Thiên nhiên đã khéo dựng một vách đá cao chắn một bên vách núi, một nhánh thác nhỏ đổ từ độ cao hơn 20 mét xuống tạo thành phòng tắm lộ thiên hoàn mỹ.
Hòa vào dòng thác tắm gội bụi trần, và cột nước từ trên cao đổ òa xuống châu thân xoa dịu mọi nỗi nhọc nhằn cơm áo, khách đường xa như quên mất đường về phố thị đầy bụi bặm. Đêm ở thác trăng dát bạc lung linh kỳ ảo, ngồi bên ché rượu cần dậy men rừng quyện với cơm lam dẻo thơm và thịt heo rừng nướng thơm nức, lắng nghe ngọn thác hát vang vọng bài ca đại ngàn, tưởng không còn lạc thú nào hơn.